Home / Cuộc sống ở Nhật / Du Học Nhật Bản Cần Chuẩn Bị Những Gì?

Du Học Nhật Bản Cần Chuẩn Bị Những Gì?

NHỮNG ĐỒ DÙNG CẦN THIẾT NÊN MANG KHI DU HỌC NHẬT BẢN (Mang cả Việt Nam Đến Nhật)

📑I. GIẤY TỜ:

1. Passport, vé máy bay sau khi làm thủ tục ở sân bay Nhật Bản thì phải giữ thật cẩn thận Thẻ lưu trú, luôn mang theo người thẻ này và tránh để mất mát các giấy tờ quan trọng.

2. Bằng cấp ở VN: Đem bản gốc và bản sao có chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền đối với các tài liệu: Học bạ cấp 3, bằng tốt nghiệp phổ thông, đại học, bảng điểm Đại học (nếu có), giấy chứng nhận năng lực ngoại ngữ (Tiếng Anh, tiếng Nhật…).

⚠️Tốt nhất là dịch tiếng Nhật trước rồi đi công chứng. Xin hẳn tầm 5,6 bản để lúc các bạn nộp hồ sơ thi vào Senmon, đại học là cần thiết. Thường là không chỉ nộp hồ sơ vào một trường, vào sau khi nộp rủi có thi trượt thì phần lớn các trường sẽ không trả lại hồ sơ nên mang dự trù nhiều sẽ tốt hơn. Theo kinh nghiệm cá nhân họ không để ý đến hạn của công chứng đâu nên không cần lo là quá hạn nha.

Trường nào đòi bản gốc thì lúc nộp hồ sơ thông báo trường là ví dụ bằng tốt nghiệp ở Việt Nam chỉ cấp cho 1 cái nên sau khi check xong thì cho xin lại tờ giấy đó, kèm theo phong bì có dán sẵn tem và địa chỉ nhà mình để họ chỉ việc nhét vào và gửi đi là xong.

3. Ảnh thẻ: Nên chụp ở VN thật nhiều rồi mang theo, vì trong thời gian đầu sẽ có nhiều giấy tờ cần dùng, và chụp ảnh ở Nhật thì cũng tương đối đắt. Nên mang sang ảnh 3*4 và 4*6, mỗi loại từ 15 – 20 tấm ( Mặc vest, nền trắng, nhìn tạo được thiện cảm và hợp với quy chuẩn nhiều hồ sơ…)Khi chụp ảnh ở VN nếu được thì xin file ảnh luôn để sang bên này có thể ra Kombini với giá hạt rẻ hơn, đơn giản, tiện lợi.

4. Các giấy tờ khác: Nên mang theo bằng lái xe và hồ sơ thi vì có thể đổi bằng ở Nhật. Các giấy tờ khác như CMND, thẻ ngân hàng tại VN… thì nên để ở nhà. Tuy nhiên theo mình nên mở sẵn một tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, dùng dạng banking, cũng lớn rồi nên đôi khi cũng cần giao dịch đến tiền, dùng tài khoản chính chủ của mình đôi khi tiện hơn.

👚II. QUẦN ÁO

1. Mùa đông: (Nhiệt độ giao động từ 0 -10 độ) Vest đen 1 bộ, áo dài (các bạn nữ mặc dịp lễ, giao lưu văn hoá, ngày nhập trường,…thuê quần áo truyền thống Nhật Bản rất đắt). Trường hợp các bạn nữ mặc chân váy với Vest thì không nên may chân váy ngắn trên đầu gối nhiều quá nha, ngang đầu gối là vừa đẹp. Áo phao to, áo dạ mặc bên ngoài loại giữ ấm tốt, hoặc gần đây có mốt áo lông vũ nhẹ mà giữ nhiệt cũng rất xịn sò : 1-2 cái (rất cần), áo len: 2-3 cái, áo khoác mỏng 2 cái, áo giữ nhiệt mỏng bên trong: 2-3 cái, áo phông mặc trong: 4-5 cái, áo ba lỗ mặc trong: 3-4 cái. Quần 3-4 cái, nên mua quần bò hoặc quần thô. Quần tất giữ nhiệt: 2-3 cái. Đồ lót: 10-15 cái (đồ lót bên Nhật đặc biệt đắt). Tất 10 đôi, khăn quàng cổ :1-2 cái…

2. Mùa hè: 3-4 cái áo phông, 2-3 cái sơ mi (nhớ mang áo sơ mi trắng, kiểu dáng đơn giản nhất có thể. Mặc dịp đi thực tập, phỏng vấn, dịp gì đó trang trọng 1 chút ), 2-3 quần đùi.

3. Giầy: 1 đôi giày đen, 1 đôi guốc, 1 đôi giày thể thao (Qua đây quen một chút thì đi săn sale giày, giày bên này xịn và săn vào dịp sale thì không quá đắt). Khi ra đường đi giày là chủ yếu. 🍁Không nên mang quá nhiều quần áo vì có thể mua bên đó cũng rẻ và hợp thời trang.

🧳III. ĐỒ ĐẠC.

1. Đồ ăn: Mang 1 số gia vị nấu đồ VN: Bột canh, xả, hành khô, nước mắm, mì tôm, ruốc, sa tế, mắm tôm, mắm tép, mắm cáy, mắm ruốc…để ăn lúc đầu. Không nên mang tỏi, ớt, gừng, hạt tiêu, tương ớt ngọt, muối, đường, nước cốt chanh, giấm, bột chiên xù, dầu hào, ketchup, mayonezu, mù tạt, wasabi, dầu vừng, dầu dừa… vì ở Nhật cũng có, có thể mua shop 100 Yên cũng có luôn.

2. Đồ lưu niệm: Mua 1 ít đồ lưu niệm để sang làm quà: móc chìa khóa, nam châm dính tủ lạnh, … có hình việt nam để làm quà cho người Nhật để kết tình thân hữu ><.

3. Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu: 1-2 cái, lăn khử mùi, khăn mặt, khăn tắm, hóa mỹ phẩm… (Chỉ mua vừa đủ dùng trong 1-2 tháng đầu, sau đó có thể mua tại Nhật)

4. Thuốc: Mang 1 số loại thuốc phòng ốm đau lúc đầu: Thuốc giảm đau, đau đầu, đau bụng, dầu gió,… thuốc chữa bệnh (nếu có). Sau này nếu bị bệnh sẽ đi khám và uống theo đơn bác sĩ.

5. Đồ điện tử: Khi mua đồ điện tử nên chọn thời điểm giảm giá (Giáng sinh, tết dương lịch…) nhờ sempai dẫn đi mua, hoặc mua trên mạng, có sẵn máy tính ở nhà thì mang đi cũng đc (mang theo hành lý xách tay). Điện thoại VN lên quốc tế thì dùng được ở Nhật Bản, lúc mình đi có mang cái cùi bắp theo dùng để bắt wifi.

6. Vali: Nên sắp đồ gửi vào 1 vali to, 1 vali nhỏ. Xách tay: 1 balo (sau này sẽ dùng nhiều đi học) và 1 túi xách.

7. Đồ dùng khác: chút chì kim, ngòi chì, 1 cuốn sổ cầm tay,1-2 quyển sách tiếng Nhật siêu giá trị, siêu tâm đắc còn đâu không nên mang quá nhiều. Qua rồi có thể lên thư viện trường mượn đọc, sách nhiều vô kể, hoặc có thể down trên mạng về. Chỉ sợ lúc đó không chịu đọc chứ đừng lo không có sách nha.

8. Những thứ không nên mang theo: gương nhỏ, móc áo, keo bọt, xi giày, xoong chảo, bát đũa, chăn đệm… không nên mang vì mua tại Nhật tiện và rẻ.

9. Cắt tóc gọn gàng trước khi đi, nên nhuộm tóc đen. Chi phí cắt tóc tại Nhật khá đắt.

10. Nếu bị cận/viễn/loạn cần đeo kính, thì nên đo mắt cắt kính trước ở nhà trước khi sang. Và nên mang theo 2,3 cái nếu độ cận của bạn ổn định, không tăng hay giảm nhiều.

⚠️CHÚ Ý:
+ Không nên mang quá nhiều quần áo vì bên đó lạnh nhưng không giá như ở VN.
+ Luôn nhớ tên ga tàu gần nhà, nhớ số bưu điện và địa chỉ nhà, số điện thoại người cần liên lạc tại Nhật lúc đầu.
+ Khi mới sang không biết thì hỏi hoặc quan sát người ta làm rồi mình làm theo, đừng tự ý làm mà không hiểu rõ.
+ Không đua đòi, học các tật xấu của người Việt Nam bên đó. Hãy sang Nhật với tâm thế mình là đại diện cho con người Việt Nam, sang học tập, làm việc để nâng cao giá trị bản thân để sau này có thể lo cho gia đình, xa hơn nữa là cống hiến làm rạng danh đất nước.

Theo: Lan và chuyện ở Nhật

Xem thêm: Những điều cần biết khi giao tiếp với người Nhật